Nhiều người vì thân quen hay sự tin tưởng nên khi cho người khác vay tiền giữa các bên không lập hợp đồng vay mượn dưới hình thức bằng văn bản, mà thường chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Những trường hợp này không hề hiếm gặp, nhất là khi bên cho vay và bên vay có mối quan hệ gia đình, tình cảm hay bạn bè thân thiết.

Vấn đề phát sinh khi quá thời hạn cho vay, bên vay tiền không trả tiền cho bên cho vay và liên tục khất lần, trốn tránh khi bên cho vay liên hệ. Thậm chí họ còn thể hiện rõ ý chí không muốn trả tiền. Vậy trong những trường hợp như vậy liệu người cho vay có thể khởi kiện tới Tòa án để yêu cầu bên vay trả tiền hay không?

1. Quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng vay tiền

Theo quy định pháp luật, giao dịch vay tiền là một loại giao dịch dân sự. Do đó căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự, có thể xác định giao dịch vay tiền có thể được thể hiện dưới các hình thức sau:

- Được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

- Thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Mặt khác tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy hợp đồng vay tiền có thể không nhất thiết phải thể hiện dưới hình thức bằng văn bản mà còn có thể bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc thông điệp dữ liệu điện tử theo đúng quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

Ngoài ra quy định pháp luật cũng không bắt buộc hợp đồng vay tiền dưới dạng văn bản phải được công chứng, chứng thực. Do đó dựa vào nhu cầu thì các bên có thể lựa chọn hoặc không lựa chọn công chứng, chứng thực hợp đồng vay tiền.

2. Không có giấy vay tiền có quyền khởi kiện đòi tiền không?

Có thể thấy giấy vay tiền là một tài liệu, chứng cứ quan trọng để xác định có tồn tại quan hệ vay tiền giữa các bên, từ đó có cơ sở để người cho vay khởi kiện tới Tòa án yêu cầu người vay phải trả tiền.

Tuy nhiên như đã đề cập ở trên pháp luật Việt Nam vẫn cho phép giao dịch vay tiền tồn tại dưới các hình thức khác ngoài văn bản như lời nói, hành vi cụ thể hoặc thông điệp dữ liệu điện tử. Do đó dù không có giấy tờ vay tiền nhưng bên cho vay vẫn có quyền yêu cầu khởi kiện bên vay tới Tòa án để yêu cầu trả nợ.

Song người khởi kiện tức là người cho vay có nghĩa vụ phải chứng minh yêu cầu đòi tiền của mình là có cơ sở, tức phải xác định người bị kiện có vay tiền mình và chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó giao dịch vay tiền tồn tại dưới các hình thức ngoài văn bản thường có tính chất không rõ ràng nên người cho vay có thể gặp khó khăn để thực hiện nghĩa vụ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình.

3. Chứng cứ và tài liệu khác thay thế cho giấy vay tiền

Vậy nếu không có giấy vay tiền, người cho vay cần cung cấp những chứng cứ, tài liệu nào khác để chứng minh có sự tồn tại giao dịch vay tiền.

Xem Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 94. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự.

4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Dựa trên nội dung Điều 94 thì người cho vay có thể cung cấp những chứng cứ trên nếu không có giấy vay tiền. Mà thường gặp nhất đó là file ghi âm, tin nhắn điện thoại, sao kê ngân hàng hoặc lời khai của người làm chứng.