Hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng mạng xã hội mà người dùng có thể dễ dàng đăng tải, chia sẻ hình ảnh của mình hoặc người khác lên những nền tảng này. Đồng thời tốc độ lan truyền của những hình ảnh này là rất nhanh chóng, từ đó nhiều người có thể tiếp cận với những hình ảnh được đăng tải chỉ trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên nếu đăng tải hình ảnh của người khác mà chưa nhận được sự đồng ý của họ thì có vi phạm pháp luật không và nếu có thì chế tài xử lý sẽ ra sao. Qua bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này.

1. Quy định của pháp luật về quyền đối với hình ảnh cá nhân

Nội dung quyền đối với hình ảnh cá nhân được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy khi một chủ thể sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được người đó đồng ý thì mới được sử dụng, bao gồm cả việc đăng tải lên mạng xã hội. Riêng đối với trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân vì mục đích thương mại thì còn phải trả thù lao cho người có hình ảnh.

Tuy nhiên có hai trường hợp sau việc sử dụng hình ảnh của cá nhân khác không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Ngoài ra người dân còn có quyền chụp hình hoặc quay phim để giám sát cảnh sát giao thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng phải đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an:

- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

- Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);

- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Như vậy nếu sử dụng hình ảnh cá nhân mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh và không thuộc các trường hợp ngoại lệ trên thì đều được xem là hành vi xâm phạm đến quyền cá nhân về hình ảnh.

2. Chế tài xử lý

(i) Hành vi đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội chưa có sự đồng ý của họ, mà kèm với đó là việc cung cấp các thông tin được quy định tại khoản 1 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cụ thể là các thông tin sau:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Trong trường hợp việc đăng tải hình ảnh cá nhân nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(ii) Ngoài chế tài xử lý về hành chính và hình sự, người xâm phạm quyền cá nhân về hình ảnh còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Các khoản bồi thường được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau: Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

- Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.