Bị can, bị cáo phạm tội tùy mức độ có thể được các cơ quan chức năng xem xét cho đặt tiền bảo đảm để thay thế tạm giam, theo quy định tại điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

 

Liên quan đến "Dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015" đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, ngày 10/7, luật sư Lại Văn Doãn (*), Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Nam Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) gửi đến Zing.vn bài viết chia sẻ về góc nhìn của ông.

 

Tiền đặt bảo đảm từ 30 - 200 triệu đồng

 

Dự thảo TTLT này khi được ban hành có hiệu lực sẽ thay thế TTLT ngày 14/11/2013, hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

 

Theo đó, Khoản 2 Điều 3 dự thảo TTLT mới đã bổ sung đối tượng không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Với một số tội trước kia chỉ quy định bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, thì thông tư mới quy định bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng đối với các loại tội này cũng không được áp dụng.

 

Du thao muc dat tien bao dam de khong bi tam giam hinh anh 1
Luật sư Lại Văn Doãn. Ảnh. L.D.

Dự thảo bổ sung thêm trường hợp bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng với các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Khủng bố, Đua xe trái phép và trường hợp bị can, bị cáo là người tái phạm nguy hiểm cũng không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

 

Điều 5 của dự thảo quy định về “Mức tiền đặt để bảo đảm”, không có nhiều thay đổi so với thông tư cũ. Theo đó, mức tiền này không dưới:

 

- Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

 

- Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 

 

- Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. 

 

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt thì Cơ quan điều tra, VKSND, TAND có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng quy định trên.

 

Khoản tiền này để bảo đảm cho bị can, bị cáo cư xử theo đúng quy định của pháp luật (Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Trong trường hợp bị can, bị cáo vi phạm các quy định trên sẽ bị bắt tạm giam trở lại, khoản tiền bảo đảm bị tịch thu.

 

Khoản 2, Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định:

Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

- Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

- Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án...

Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định tiến bộ và phù hợp với thực tế, đó là bổ sung đối tượng được đặt tiền để bảo đảm. Theo đó, ngoài bị can, bị cáo thì người thân thích của bị can, bị cáo cũng được đặt tiền để bảo đảm cho bị can, bị cáo được tại ngoại thay cho biện pháp tạm giam.

 

Thực tế trong khi bị can, bị cáo bị tạm giam, họ gặp rất nhiều khó khăn để có thể thực hiện các thủ tục đặt tiền để đảm bảo cho mình. Do đó, đây là sự bổ sung phù hợp với thực tế pháp lý, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được bảo đảm các quyền lợi chính đáng của mình.

 

Người thân thích của bị can, bị cáo theo quy định tại Điểm b Mục 4 phần I Nghị Quyết 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán là:

 

“- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;

 

- Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;

 

- Là cụ nội, cụ ngoại của một trong những người trên đây; là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; là cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.”

 

Thủ tục sẽ không phức tạp 

 

Do không có bản dự thảo TTLT mới nên chưa thể nói rõ về trình tự thủ tục đặt tiền để bảo đảm theo quy định mới, song có thể nhận định trình tự thủ tục này không quá phức tạp, khác biệt so với quy định cũ.

 

Theo quy định tại TTLT ngày 14/11/2013, thì người đề nghị đặt tiền phải có đơn đề nghị gửi qua cơ sở giam giữ. Trong thời hạn một ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của bị can, bị cáo, cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển đến cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì gửi cho bị can, bị cáo các mẫu văn bản theo hướng dẫn tại Điều 7 của TTLT này để làm thủ tục đề nghị được đặt tiền để bảo đảm.

 

Du thao muc dat tien bao dam de khong bi tam giam hinh anh 2
Năm 2016, bị cáo Đậu Thị Huệ (Nghệ An) bị tuyên án 4 năm tù vì bỏ thuốc chuột vào lòng lợn đầu độc chồng. Ảnh: Phạm Hòa.

Theo quy định cũ thì khi xét thấy bị can, bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án gửi thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm cho họ thông qua cơ sở giam giữ.

 

Tuy nhiên, thực tế tham gia tố tụng ít thấy trường hợp nào cơ quan đang tiến hành tố tụng gửi thông báo này. Vì vậy, để được hưởng biện pháp này khi đáp ứng đủ các điều kiện, thì những người được quyền đặt tiền nên chủ động tiến hành các bước cần thiết để gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị được áp dụng biện pháp này cho bị can, bị cáo.

 

Các trường hợp không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm: 


- Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;  
- Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đua xe trái phép;
- Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã;
- Bị can, bị cáo phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- Bị can, bị cáo nghiện ma tuý;
- Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức;
- Bị can, bị cáo là người tái phạm nguy hiểm;
- Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

(Theo dự thảo TTLT)

Theo news.zing.vn