Bố tôi điều khiển xe máy mà ko mũ bảo hiểm, nồng độ cồn vượt mức cho phép, ko giấy phép lái xe. Ông sang đường có xi nhan. Khi ông sang bên kia đường (cách mép đường bên kia 1m) thì có một thanh niên đi ngược chiều lao vào ông.

Thanh niên này có sổ lĩnh trợ cấp tâm thần hàng tháng, đầu ko mũ bảo hiểm, nồng độ cồn vượt mức cho phép. Có lẽ thanh niên này đang điều khiển xe máy với tốc độ cao nên khi nhìn thấy bố tôi là a ta bóp phanh trước rồi đuôi xe a hất lên trời làm cả người a bay lên trời rồi rơi xuống đất. Còn bánh trước xe a mới chạm vào cái để chân của bố tôi. Sau đó bố tôi có kêu gọi mọi người đưa a ấy đi viện và nhà tôi lo tất cả chi phí đi lại cũng như điều trị. Nhưng sau khoảng 17 tiếng đồng hồ thì anh ấy tử vong. Trong đám tang, gđ tôi đến phúng viếng như bình thường. Sau đám tang, gđ tôi vào nói chuyện với gđ a ấy và nói gđ tôi cũng khó khăn mẹ tôi có trợ cấp người tàn tật đặc biệt nặng còn bố tôi có trợ cấp chăm sóc người tàn tật đặc biệt nặng nên gđ tôi hỗ trợ gđ a ấy 15 triệu đồng. Nhưng gđ a ấy nói nếu ko bồi thường 70 triệu đồng thì kiện bố tôi ra tòa.Vậy mong quý công ty tư vấn giúp tôi xem trong trường hợp này bố tôi có phải chịu trách nhiệm về những vi phạm gì, bị phạt tiền bao nhiêu và có bị truy cứu trách nhiệm hình sự ko, nếu có thì khung hình phạt là như nào ạ. Rất mong sớm nhận đc sự tư vấn từ quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn. 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Văn phòng. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại khoản 2 điều 202 BLHS về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:

“2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

“a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;”

 

Theo thông tư liên tịch số 09/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì

“Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:

a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”

 

Như vậy, bố của bạn vừa tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, không giấy phép lái xe nên sẽ nằm trong khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm.

 

Các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại điều 202 BLHS như sau:

Về mặt chủ thể, bố bạn là  cá nhân có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình và đồng thời có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS hiện hành.

Về mặt khách thể, đây là hành vi xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng mà Bộ luật hình sự đang bảo vệ theo quy định tại điều 202 BLHS.

Về mặt chủ quan, đây là lỗi vô ý nhưng được thực hiện khi bố bạn đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ (không đội mũ, không giấy phép lái xe, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép). Hành vi này được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của người dân xung quanh.

 Về mặt khách quan, bố bạn đã trực tiếp dung hành vi của mình . Hành vi khách quan này hoàn toàn có sự kiểm soát  ý thức và có sự điều khiển ý chí, không ai ràng buộc hay áp đặt. Ngoài các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì bố bạn còn gây ra thiệt hại về tinh thần cho gia đình nạn nhân trước nỗi đau mất đi người thân.

 

 Về vấn đề bồi thường thiệt hại, theo quy định tại điều 591 BLDS:

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Như vậy, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về vấn đề bồi thường nhưng phải đảm bảo đó là một mức bồi thường hợp lý, thuận tình và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các bên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Dương Đình Nam về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 0898770079 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.