Câu hỏi tư vấn: Tôi và chồng tôi ly hôn được gần 1 năm, tôi là người trực tiếp nuôi con. Hai tháng trở lại đây chồng tôi liên tục đi lại thăm con, mỗi lần đến đều say rượu la hét rồi chửi bới mẹ con tôi, tôi được biết chồng tôi nhiều lần đến trường của con làm ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Có cách nào để tôi hạn chế hành vi trên không thưa Luật sư?

 

Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Văn phòng luật sư Dương Đình Nam, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

 

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Chồng bạn có quyền đi lại thăm nom con, không ai được cản trở, hai bạn có thể thỏa thuận về thời gian, phương tiện, địa điểm đi lại thăm nom con sao cho hợp lý, trừ trường hợp sau đây:

 

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, hành vi trên của chồng bạn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bé, đời sống cũng như công việc, học tập của hai mẹ con. Trường hợp này, bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng bạn.

 

Về thẩm quyền Tòa án:

 

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

 

Theo điểm k Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn”.

 

Từ các quy định trên đây có thể thấy bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng bạn tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bạn cư trú hoặc làm việc.

 

Hồ sơ yêu cầu bao gồm các giấy tờ sau:

 

+Đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con (theo mẫu tại Tòa án).

 

+Bản án ly hôn (bản chính hoặc trích lục).

 

+Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực).

 

+Chứng cứ chứng minh việc chồng cũ của bạn lạm dụng quyền thăm nom con để gây cản trở, làm ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Hạn chế quyền thăm con sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần được hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến - 0898770079 để được giải đáp.

 

Trân trọng!

CV.Ngô Thị Bắc