Quan hệ vay tiền giữa các cá nhân với nhau hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên hiện nay theo quy định pháp luật mức lãi suất có thể được áp dụng để tính lãi là bao nhiêu?

1. Mức lãi suất cho vay trong hạn tối đa theo quy định pháp luật

Hiện nay theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng vay tài sản như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy pháp luật cho phép người cho vay tính lãi trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định. Đây là mức lãi suất được sử dụng để tính tiền lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay.

Căn cứ khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất, ta có thể thấy mức lãi suất cụ thể sẽ do bên cho vay và bên vay thống nhất thỏa thuận. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, tức mức lãi suất đã được xác định rõ ràng và hai bên không có tranh chấp, thì mức tối đa không được vượt quá 20%/năm.

Và trong trường hợp tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào để xác định rõ lãi suất và giữa hai bên có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên, tức lãi suất tối đa lúc này là 10%/năm. Lưu ý mức lãi suất sẽ được xác định tại thời điểm trả nợ.

Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá mức lãi suất quy định thì mức lãi suất này không có hiệu lực, không được áp dụng để tính tiền lãi. Lúc này mức lãi suất theo quy định pháp luật sẽ được áp dụng.

2. Mức lãi suất chậm trả theo quy định pháp luật

Ngoài việc được áp dụng mức lãi suất tại mục 1 để tính tiền lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay thì pháp luật cũng cho phép người cho vay áp dụng mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn hay còn được gọi là lãi suất chậm trả trong trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn hoặc trả không đầy đủ.

Mức lãi suất này được quy định tại khoản 4, 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Dựa trên quy định này sẽ xảy ra hai trường hợp như sau:

(i) Trường hợp vay tiền không tính lãi thì mức lãi suất chậm trả là mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Lúc này để tính tiền lãi chậm trả ta có công thức sau:

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả =  [Nợ gốc quá hạn chưa trả] x [Lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015] x [Thời gian chậm trả nợ gốc]

(ii) Trường hợp vay tiền có tính lãi thì người cho vay có quyền tính tiền lãi trên nợ lãi chưa trả và tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả.

- Lãi suất áp dụng để tính tiền lãi trên nợ lãi chưa trả là mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Ta có công thức như sau:

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = [Tiền lãi chưa trả] x [Lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015] x [Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc]

- Lãi suất áp dụng để tính tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả sẽ bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng. Ta có công thức như sau:

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả =  [Nợ gốc quá hạn chưa trả] x [Lãi suất bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng] x [Thời gian chậm trả nợ gốc]

3. Xử lý tiền lãi tính theo mức lãi suất vượt quá mức quy định

Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá mức quy định và đã dựa trên mức lãi suất này để tính và nhận tiền lãi. Như vậy khi khởi kiện thì số tiền lãi này sẽ được xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP:

Điều 9. Xử lý thỏa thuận về lãi, lãi suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định

Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.

Như vậy mức lãi suất nếu vượt quá mức quy định thì không có hiệu lực. Lúc này phần tiền lãi mà bên vay đã trả vượt quá số tiền lãi tính theo lãi suất quy định sẽ được cấn trừ vào nợ gốc tại thời điểm trả lãi. Nếu số tiền lãi đã trả vượt quá được cấn trừ hết nợ gốc và còn dư thì số tiền dư ra này sẽ được trả lại cho người vay.