Một số điểm mới của Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai
Đất chuyển nhượng bằng giấy viết tay được cấp sổ đỏ
Nghị định 01 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được đánh giá đã giải quyết hàng loạt vướng mắc cho người dân, một trong số đó là sẽ cấp sổ đỏ cho đất chuyển nhượng bằng giấy tay.
Thủ tục nhà đất sẽ nhanh hơn:
Ngày 20/2, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP (Nghị định 01)về sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Nghị định 01 này được đánh giá đã “gỡ nút thắt” nhiều vướng mắc cho người dân về pháp luật đất đai được các bộ ngành rà soát trong 2 năm qua.
Vấn đề thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, từ lâu đã là “nỗi khổ” của nhiều người. Việc rút ngắn từ 1/3 đến ½ thời gian thực hiện đối với nhiều thủ tục đăng ký biến động đất đai so với trước đây là một nội dung được đánh giá cao trong Nghị định 01.
Với việc nới phạm vi xét cấp sổ đỏ cho trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tay, hàng ngàn người sẽ được hợp thức hoá đất đai của mình
Đơn cử như: Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không quá 15 ngày; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không quá 30 ngày; Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày; Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày...
Một điểm bổ sung khác tại Nghị định 01 là trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một phần diện tích đất tăng thêm không nằm trong giấy tờ được xem xét hợp thức hoá. Cụ thể, khi đo đạc mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn trong GCN đã cấp và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với lúc cấp GCN thì được xem xét cấp sổ đỏ đối với phần diện tích đất tăng thêm. Điều này hướng đến giải quyết vướng mắc cho các hộ gia đình ở nông thôn, khi diện tích đất thực tế và trên giấy tờ không trùng khớp.
Hợp thức hoá đất chuyển nhượng bằng giấy tay:
Vấn đề hợp thức hoá đất đai cho những trường hợp mua bán bằng giấy tờ sang tay đã được đưa vào nghị định. Theo đó, phạm vi thời hạn cấp sổ đỏ cho những trường hợp này đã được mở rộng đến trước ngày 1/1/2008, thay vì trước mốc ngày 1/7/2004 như trước đây.
Như vậy, với quy định nới phạm vi xét cấp sổ đỏ với những trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tay, từ ngày 3/3/2017 (thời điểm Nghị định 01 có hiệu lực thi hành) hàng ngàn người cả nước sẽ được hợp thức hoá phần đất của mình.
Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ
Diện tích đất trội lên so với hồ sơ ban đầu vẫn được xem xét cấp sổ đỏ cho dù là hợp pháp hay bất hợp pháp...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Một trong những nội dung đáng chú ý của nghị định này là Nhà nước vẫn sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức đối với diện tích đất tăng thêm do vi phạm mà có, sau khi đã xử lý theo quy định.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cụ thể, so với Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Theo đó, trường hợp đo đạc lại mà diện tích thửa đất thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điều 100 của Luật Đất đai, điều 18 của Nghị định này và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm.
Đối với trường hợp diện tích đất tăng thêm do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất đã có giấy chứng nhận thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho đối với diện tích đất tăng thêm theo quy định tại điều 79, khoản 2 điều 82 và thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận cho thửa đất gốc (thửa đất chưa có diện tích đất tăng thêm) theo quy định tại điều 76 của nghị định này nếu thửa đất gốc đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất mà không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện thủ tục hợp thửa đất.
Đặc biệt, nghị định nêu rõ, trường hợp diện tích đất tăng thêm không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 100 của Luật Đất đai, điều 18 của nghị định này thì thực hiện như sau:
Với trường hợp người sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai thì việc xem xét xử lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại điều 20 của Nghị định này.
Trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 1/7/2014 thì xem xét xử lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại điều 22 của nghị định này.
Trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất được giao trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2014 thì việc xem xét xử lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại điều 23 của nghị định này.
Theo khoản 6 điều 23, trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004, đất đó không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận có nhà ở hoặc không có nhà ở thì được xem xét cấp giấy chứng nhận và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Trân trọng!
CV. Triếc Tân