Khi thực hiện thủ tục ly hôn, điều nhiều người quan tâm là bố hay mẹ sẽ được quyền nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi.

 

1. Hiện nay theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con dưới 36 tháng tuổi mặc định giao cho người mẹ nuôi dưỡng trong trường hợp có tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Tuy nhiên cũng theo quy định trên sẽ có hai trường hợp người mẹ không có quyền nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi, cụ thể:

- Trường hợp 1: Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con dưới 36 tháng tuổi.

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể như thế nào là người mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng con. Tuy nhiên Tòa án có thể xem xét các tiêu chí cơ bản sau để xác định điều kiện nuôi dưỡng con của người mẹ có đảm bảo hay không:

+ Thu nhập hàng tháng: ngoài nhu cầu chi tiêu của mẹ thì phần còn lại của thu nhập có đảm bảo để cung cấp nhu cầu thiết yếu cho con không?

+ Điều kiện về chỗ ở: có chỗ ở lâu dài và ổn định không?

+ Môi trường sống: có đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ không?

+ Thời gian làm việc: có đủ thời gian dư ra để chăm sóc trẻ hay không?

+ Có ai hỗ trợ việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ hay không? Ví dụ như ông bà hay thuê người giúp việc.

+ Hành vi của mẹ đối với trẻ có phù hợp không. Ví dụ nếu người mẹ đã từng có hành vi ngược đãi, bạo hành con thì có thể sẽ không có quyền nuôi dưỡng con.

+ Mẹ có phải nuôi dưỡng ai khác ngoài trẻ không.

- Trường hợp 2: Bố mẹ tự thỏa thuận bố sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn. Đồng thời thỏa thuận này phải phù hợp với lợi ích của con. Việc xem xét có phù hợp với lợi ích của con hay không sẽ do Tòa án quyết định dựa trên điều kiện nuôi dưỡng của bố và mẹ.

Nếu việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho bố nuôi dưỡng được Tòa án nhận định là phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án sẽ công nhận thỏa thuận này của bố và mẹ.

 

2. Ngoài những quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hiện nay còn có Án lệ số 54/2022/AL điều chỉnh vấn đề trên.

Nội dung án lệ như sau: Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó. Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Án lệ này được lấy từ Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Nội dung vụ án là chị Phạm Thị Kiều K do mâu thuẫn với chồng nên tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Từ đó Tòa án nhận định cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Vì vậy việc giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp.

Như vậy người mẹ dù đủ điều kiện nuôi dưỡng con theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng lại tự ý bỏ đi khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng con và người con đã được cha nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, đồng thời trở nên quen thuộc với môi trường sống hiện tại thì người mẹ sẽ không có quyền nuôi dưỡng con.

Tuy nhiên cũng cần xem xét đến nguyên nhân, hoàn cảnh của người mẹ bỏ đi. Nếu người mẹ do bị người cha dùng bạo lực ép buộc khiến người mẹ không còn cách nào khác mà phải bỏ đi thì cần xem xét về việc áp dụng Án lệ số 51.