Thừa kế theo pháp luật có nguyên tắc chung là người thừa kế phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế nghĩa là thời điểm người có tài sản chết. Tuy nhiên pháp luật nước ta còn có trường hợp thừa kế đặc biệt liên quan tới vấn đề người thừa kế theo quy định pháp luật đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản. Trường hợp này được gọi là thừa kế thế vị.

Qua bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu như thế nào là thừa kế thế vị.

1. Quy định pháp luật về thừa kế thế vị

Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Như vậy có thể hiểu về thừa kế thế vị là phần di sản đáng lẽ con của người để lại di sản được hưởng nếu còn sống (nhưng vì họ đã chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản) nên phần di sản này sẽ được chuyển giao sang cho cháu của người để lại di sản. Tương tự đối với trường hợp cháu chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt tức con của người cháu đã chết sẽ hưởng phần di sản của cháu đáng lẽ được hưởng nếu còn sống.

Điều này có nghĩa là cháu hoặc chắt phải sống vào thời điểm người để lại di sản chết thì mới đủ điều kiện để được xem là thừa kế thế vị.

2. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Ngoài trường hợp thừa kế thế vị thì liên quan đến vấn đề người để lại di sản và người thừa kế chết cùng thời điểm còn được quy định tại Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

Điều 619. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.

Có ba điểm khác biệt so với thừa kế thế vị:

- Thứ nhất về thời điểm người để lại di sản và người thừa kế chết. Nếu như thừa kế thế vị xác định thời điểm người thừa kế theo pháp luật chết là trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản, thì trong trường hợp này chỉ có trường hợp chết cùng thời điểm.

- Thứ hai là quan hệ giữa những người chết cùng thời điểm. Trong thừa kế thế vị thì quan hệ của họ là cha/mẹ và con hoặc ông/bà và cháu. Còn trường hợp trên thì giữa những người chết có quan hệ là người thừa kế của nhau, tức là không giới hạn trong mối quan hệ cha/mẹ và con, mà còn có thể là mối quan hệ vợ chồng.

- Thứ ba là người được hưởng di sản của người chết. Đối với thừa kế thế vị thì tùy trường hợp mà cháu hoặc chắt của người chết sẽ được hưởng di sản. Ngược lại trong trường hợp này những người chết không được hưởng di sản của nhau mà hàng thừa kế của mỗi người chết sẽ được hưởng di sản.

Về cơ bản nếu mối quan hệ giữa những người chết cùng thời điểm là cha/mẹ và con hoặc/và ông/bà và cháu thì áp dụng thừa kế thế vị. Ngoài mối quan hệ này thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 619.