Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm và khi nào bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật?
1. Quy định pháp luật về thời hạn kháng cáo
(i) Về chủ thể có quyền kháng cáo căn cứ theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Điều 271. Người có quyền kháng cáo
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo. Trong vụ án dân sự, đương sự được xác định là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đối tượng họ có quyền kháng cáo là bản ản sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm.
(ii) Thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, như sau:
- Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm: thời hạn là 15 ngày.
+ Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện có mặt tại phiên tòa và cả khi tuyên án, thời hạn được tính kể từ ngày tuyên án.
+ Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
+ Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
- Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm: thời hạn là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.
Đối với trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
2. Khi nào bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực
Bản án dân sự sơ thẩm không có hiệu lực ngay vì có quy định về thời gian để đương sự thực hiện quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hiện quyền kháng nghị.
Do vậy căn cứ khoản 2 Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
[…]
2. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy nếu Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì sẽ có hiệu lực.
Đối chiếu với quy định về thời hạn kháng nghị tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Điều 280. Thời hạn kháng nghị
1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
[…]
Vậy trong trường hợp đương sự của vụ án đều có mặt tại phiên tòa và khi Tòa sơ thẩm tuyên án, Kiểm sát viên có mặt tại phiên tòa và khi Tòa sơ thẩm tuyên án thì nếu kết thúc thời hạn 01 tháng mà không có kháng cáo, kháng nghị thì Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật.
Riêng đối với trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kết thúc dựa vào việc xác định ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Tương tự với trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án, chứ không tính từ ngày tuyên án. Do đó với những trường hợp này thời hạn để Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sẽ kéo dài hơn.