Đối với các vụ án mà nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ cụ thể có thể quy ra nghĩa vụ trả tiền thì việc bảo đảm bị đơn còn tài sản tại giai đoạn thi hành án là rất quan trọng. Do đó nếu đang khởi kiện mà bị đơn có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì việc người có quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là rất cần thiết.

1. Trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản

Theo quy định tại khoản 10, 11 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

Điều 114. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

[…]

10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. […]

- Đối với biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác được quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

Điều 124. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước

Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Đây là biện pháp cấm chuyển dịch, sử dụng một phần hoặc toàn phần tài khoản của người có nghĩa vụ được mở tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác và/hoặc kho bạc nhà nước.

- Biện pháp phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được quy định tại Điều 125 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

Điều 125. Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ

Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ là phong tỏa niêm phong tài sản, để tài sản đó không được phép xê dịch, chuyển nhượng tại địa điểm bên nhận gửi giữ tài sản.

- Biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được quy định tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

Điều 126. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ

Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Đây là biện pháp cấm chuyển dịch, sử dụng, hủy hoại tài sản của người có nghĩa vụ.

Như vậy về cơ bản điều kiện để áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên là:

+ Có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có loại tài sản có thể yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa;

+ Việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Thông thường sẽ được áp dụng trong trường hợp bên có nghĩa vụ có hành vi chuyển nhượng tài sản hoặc dịch chuyển tài sản để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ về sau.

2. Thủ tục áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản

(i) Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Ngoài ra đối với biện pháp phong tỏa tài sản, người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ chứng minh việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

(ii) Tùy vào thời điểm người có yêu cầu nộp đơn yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời mà quy trình xử lý của Tòa án sẽ diễn ra như sau:

- Nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản hợp lệ, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét việc nên hay không nên áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản. Khi xét thấy việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản là đúng thì Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản.

- Nhận đơn yêu cầu tại phiên tòa:

+ Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa và người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

+ Nếu có căn cứ áp dụng biện pháp phong tỏa và người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm.

+ Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ.

+ Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

- Nhận đơn yêu cầu cùng với việc nộp đơn khởi kiện: Sau khi nhận đơn, người tiếp nhận đơn phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án để Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét có đủ điều kiện thụ lý yêu cầu khởi kiện không. Trường hợp yêu cầu khởi kiện thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, nếu không thuộc thẩm quyền thì trả lại toàn bộ hồ sơ cho người yêu cầu.

3. Xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp phong tỏa

Ngoài những điều kiện chung đã phân tích tại mục 1, trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản còn có một điều kiện khác quy định tại khoản 4 Điều 132 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là tài sản bị phong tỏa phải có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện.

Quy định này được hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định 02/2020/NĐ-CP với những nội dung chính như sau:

- Để xác định nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ thực hiện sẽ căn cứ theo đơn khởi kiện, đơn phản tố của bị đơn và đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa và chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc chứng minh này.

- Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản phải thực hiện theo đơn khởi kiện thì sẽ không thể áp dụng được biện pháp phong tỏa. Người yêu cầu có quyền yêu cầu áp dụng phong tỏa đổi với tài sản khác có giá trị tương đương hoặc một biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời khác có đủ điều kiện áp dụng.

4. Thực hiện biện pháp bảo đảm

Nếu Tòa án xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản thì người có yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm, sau khi hoàn thành Quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản mới được ban hành. Tức là người có yêu cầu phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

Mục đích là để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp phong tỏa và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa từ phía người có quyền yêu cầu.

Một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá thực hiện biện pháp bảo đảm cụ thể bao nhiêu sẽ do Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử dự kiến và tạm tính, nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp phong tỏa, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp phong tỏa.