Tư vấn về tai nạn giao thông và yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe
Xin chào Quý anh/chị - Văn phòng Luật sư Dương Đình Nam.Tôi ở Đồng Nai, có một việc muốn nhờ Quý anh/chị tư vấn giúp như sau: Lúc 20h30' tôi có điều khiển xe máy, lưu thông trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo (không uống rượu, không lạng lách, không phóng nhanh vượt ẩu, không giành đường...) và đi đúng phần đường bên phải của mình.
Trong lúc đó, có 2 thanh niên trong tình trạng say rượu, lái xe ngược chiều, lấn vào phần đường của tôi và tông trực diện vào tôi, làm cả tôi và 2 thanh niên kia đều ngã chày xước, choáng và tôi còn bị chân thương vai. Xe tôi bị hư hỏng nặng. Người đi đường đã chở chúng tôi đến bệnh viện sơ cứu, Cảnh sát giao thông cũng được thông báo đến hiện trường để nắm chứng cứ, bảo vệ hiện trường cũng như đưa cả 2 xe về đồn. Sau đó, CSGT đã đến bệnh viện nơi chúng tôi được sơ cứu, nhưng 2 thanh niên kia đã tự ý kêu xe bỏ về khi CSGT chưa tới nơi (tôi được mọi người có mặt ở đó nói lại khi CSGT không tìm thấy họ trong bệnh viện). CSGT có gặp tôi hỏi một số câu hỏi, thử nồng độ cồn trong tôi (KQ: 0 độ) và giữ giấy phép lái xe cũng như đăng ký xe (đăng ký xe mang tên chị của vợ tôi). Do trong lúc tôi bị choáng và chấn thương vai, đau nhiều, lúc CSGT giữ GPLX và đăng ký xe, tôi cũng không kịp hỏi được gì. Tai nạn mới xảy ra và hôm nay là chủ nhật, nên tôi cũng chưa biết công an sẽ xử lý như thế nào.Xin hỏi Quý anh/chị trong trường hợp này tôi phải làm như thế nào? Nếu công an có gọi tôi lên làm việc, trong trường hợp tôi đúng hoàn toàn thì việc bồi thường sẽ giải quyết như thế nào và tôi phải làm việc với 2 thanh niên kia như thế nào? Xin Quý anh/chị tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn!
Văn phòng Luật sư Dương Đình Nam xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, chế độ chịu trách nhiệm hình sự của hai thanh niên đâm vào bạn.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 202, bộ luật hình sự năm 1999 có quy định:
“Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
..."
Theo quy định trên hai thanh niên đi xe máy trong lúc say rượu đã đâm vào người bạn làm bạn bị chấn thương vai phải vào bệnh viện điều trị, cần phải xem xét ai là người điều khiển phương tiện? Người nào điều khiển phương tiện và gây ra tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Căn cứ theo Điều 3, Thông tư 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC -TANDTC có quy định:
"Điều 3. Về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 bộ luật hình sự)
1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1, Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự.
2. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:
a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở"
Theo quy định này chỉ người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông mà hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả làm bạn bị chấn thương bả vai thì sẽ phạm tội vi phạm về điều khiển giao thông đường bộ ( Điều 202 Bộ luật hình sự). Ngoài ra người điều khiển phương tiện trên trong lúc tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn như quy định tại Điểm b,c điều trên thì đây sẽ là các dấu hiệu để định khung hình phạt.
Như vậy trong trường hợp này chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông mới phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật hình sự còn người ngồi đằng sau không trực tiếp điều khiển phương tiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với thanh niên điều khiển phương tiện trên hay không cần phải đợi kết quả điều tra của cơ quan điều tra sau khi xem xét, thu thập chứng cứ.
Thứ hai, chế độ bồi thường thiệt hại theo bộ luật dân sự.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì người thanh niên điều khiển phương tiện gây tai nạn cho bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự. Việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe xâm phạm được quy định tại Điều 590, bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm:
"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về tai nạn giao thông và bồi thường thiệt hại về sức khỏe theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần được hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến - 0898770079 để được giải đáp.