Luật sư nhận định hành vi truyền bá vong báo oán ở chùa Ba Vàng để thu tiền đã cấu thành các tội hành nghề mê tín, dị đoan và cưỡng đoạt tài sản.

 

Ngày 20/3, sau khi có phản ánh trên báo chí về sự việc truyền bá “vong báo oán” thu trăm tỷ ở chùa Ba Vàng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra công văn hỏa tốc gửi UBND TP Uông Bí, yêu cầu TP Uông Bí chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hoá Thể thao, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động của nhà chùa.

 

Cùng ngày, Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Thanh tra Bộ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, yêu cầu làm rõ vấn đề dư luận phản ánh một số thông tin về chùa Ba Vàng.

 

 

Hình ảnh hoạt động gọi vong thu tiền tại chùa Ba Vàng. Ảnh: Lao Động.

 

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ – luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo Khoản 2- 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.

 

Theo tiến sĩ luật học, các hoạt động như thỉnh vong, gọi hồn tại ngôi chùa này, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa, tất cả đều là hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi.

 

“Trừ khi người truyền bá có bệnh lý tâm thần, còn nếu hoàn toàn tỉnh táo thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành tội hành nghề mê tín, dị đoan và thậm chí cưỡng đoạt tài sản”, luật sư phân tích.

 

Ở đây, bà Phạm Thị Yến đã tổ chức buổi thỉnh vong tại nhà chùa. Người phụ nữ đã sử dụng nhiều hành vi khác nhau, lợi dụng niềm tin tôn giáo để uy hiếp tinh thần, làm cho người nghe sợ hãi.

 

Tiếp đó, những người này do lo sợ nên đã dịch chuyển tài sản của họ (tiền mặt) sang cho chính người đã dùng các hành vi đe dọa đó, cụ thể là bà Yến.

 

“Đó là hành vi khách quan, rõ ràng nhất minh chứng cho việc bà này mục đích chính là để kiếm tiền”, ông Thiệp nói và nhấn mạnh, trong vụ việc này, tiền do các “nạn nhân” nộp được dùng để làm gì cũng không ảnh hưởng đến mục đích phạm tội.

 

 

Chùa Ba Vàng được mệnh danh là ngôi chùa có phần chính điện lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hữu Quang

 

Luật sư phân tích thêm hành nghề mê tín dị đoan như trường hợp xảy ra tại chùa Ba Vàng không những đi ngược đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trái với giáo lý của Đạo Phật.

 

Bản chất của các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn… là nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi cho cá nhân, tập thể trong đời sống xã hội. Nếu họ muốn giải tỏa nút thắt, giảm bớt nỗi lo đó thì phải “cúng tiền”. Nhiều hệ lụy nguy hiểm khác cũng xuất phát từ nỗi lo sợ đó mà ra.

 

Theo luật sư, tội Hành nghề mê tín dị đoan không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Tội danh này được phát hiện, khởi tố nhằm bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn niềm tin tôn giáo của nhân dân. Do đó, khi truyền bá mê tín làm ảnh hưởng đến trật tự đó, cơ quan chức năng cần khởi tố, ngăn chặn để xử lý nghiêm.

 

Điều 320 Bộ luật hình sự:

 

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

 

Điều 170 Bộ luật hình sự:

 

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

 

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

 

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

e) Tái phạm nguy hiểm.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

 

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

 

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo TTN