Có nhiều trường hợp khi vay tiền, người vay thỏa thuận với người cho vay về một mục đích vay tiền nhất định nhưng sau đó người vay đã không sử dụng số tiền vay đúng vào mục đích này dẫn đến việc không thể trả tiền vay. Vậy liệu người vay có bị xử lý hình sự về các tội chiếm đoạt tài sản không.

Thông thường sẽ có hai hình thức vay tiền là:

- Giữa cá nhân với nhau hoặc giữa cá nhân, tổ chức với các tổ chức không phải tổ chức tín dụng.

- Giữa cá nhân, tổ chức với tổ chức tín dụng như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoặc công ty tài chính.

Đối với từng hình thức vay tiền thì phương thức xử lý sẽ khác nhau.

1. Hình thức vay tiền từ cá nhân hoặc tổ chức không phải tổ chức tín dụng

Có thể thấy việc người cho vay nhận được tiền là thông qua giao dịch vay tiền hợp pháp. Như vậy dấu hiệu này đã thỏa mãn phần đầu của cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Xét về vế sau, người vay phải dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay hoặc sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tiền vay thì người vay mới phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Như vậy việc người vay sử dụng tiền không đúng mục đích vay thỏa thuận, tức là sử dụng vào mục đích khác nhưng mục đích này phù hợp với quy định pháp luật dẫn đến mất khả năng trả nợ không được coi là sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền vay.

Người vay chỉ bị xử lý hình sự về tội này khi có căn cứ về việc người vay đã sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp như mua bán ma túy, mua bán hàng cấm, hối lộ, đánh bạc… dẫn đến việc không có khả năng trả lại tiền vay.

Ví dụ: A cho B vay số tiền 500.000.000 đồng, mục đích là để B đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên B lại sử dụng tiền vay để trả nợ khoản vay của những cá nhân khác dẫn đến việc B không có tiền trả cho A đúng hạn.

Hành vi này của B không đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bởi B tuy không sử dụng tiền vay theo đúng mục đích đã thỏa thuận với A nhưng B sử dụng tiền vay vào việc khác mà pháp luật không cấm.

Như vậy trong các trường hợp này thì người cho vay có quyền khởi kiện người vay tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người vay trả tiền cho mình nếu đã quá hạn thanh toán.

2. Hình thức vay tiền từ tổ chức tín dụng

Thông thường khi vay tiền từ các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng, tại các hợp đồng vay sẽ có thỏa thuận rõ ràng về mục đích vay. Khi vay tiền, chủ thể vay tiền phải cung cấp các tài liệu, chứng từ để chứng minh họ đang có nhu cầu và sẽ sử dụng tiền vay vào mục đích vay đã thỏa thuận. Tùy từng trường hợp ngân hàng cũng có thể yêu cầu chủ thể vay cung cấp tài liệu thể hiện kế hoạch sử dụng vốn vay.

Ví dụ: A muốn vay tiền ngân hàng B để mua nhà. Theo yêu cầu của ngân hàng B thì A phải cung cấp được tài liệu chứng minh có thu nhập hàng tháng là 15.000.000 đồng và hiện đã có sẵn khoản tiền tương đương 20% giá trị căn nhà có ý định mua.

Do đó khác với hình thức vay tại mục 1 thì mục đích vay khi vay tiền từ tổ chức tín dụng được xác minh, thực hiện chặt chẽ hơn. Và người vay vì vậy cũng bị ràng buộc phải sử dụng vốn vay đúng mục đích vay đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Vì người vay cũng nhận được tiền thông qua hợp đồng vay nên ta xét đến hai tội liên quan đến dấu hiệu này:

(i) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Cấu thành tội này bắt buộc người vay phải dùng thủ đoạn gian dối để nhận được vốn vay.

Như vậy có thể xét tới trường hợp người vay sử dụng các tài liệu, chứng từ giả hoặc cung cấp thông tin không đúng sự thật về mục đích vay để có thể vay được tiền từ ngân hàng. Sau đó không phân biệt người vay sử dụng tiền vào mục đích hợp pháp hay không thì họ có thể bị xử lý hình sự về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu họ không trả lại tiền nợ cho ngân hàng khi hết thời hạn vay.

(ii) Lạm dung tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Tương tự tại mục 1, người vay có thể bị xử lý hình sự về hành vi này nếu sử dụng vốn vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả tiền cho ngân hàng, nhất là trong trường hợp vay tín chấp (không có tài sản bảo đảm).